Các hiện tượng quang học tương tự Cầu vồng lửa

Mây cầu vồng lửa, đặc biệt là khi chỉ có thể được nhìn thấy các mảng màu của nó, đôi khi bị nhầm lẫn với hiện tượng mây ngũ sắc (hay mây ánh kim). Hiện tượng này cũng làm cho các đám mây xuất hiện nhiều màu, nhưng nó bắt nguồn từ sự nhiễu xạ (thường là do các giọt nước dạng lỏng hoặc tinh thể băng nhỏ) thay vì khúc xạ. Hai hiện tượng trên có thể được phân biệt bằng một số đặc điểm riêng:

  • Thứ nhất, một vòng cung tròn chân trời luôn luôn có vị trí cố định trên bầu trời so với Mặt Trời hoặc Mặt Trăng (cụ thể là bên dưới nó ở một góc 46°), trong khi mây ngũ sắc có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau (thường trực tiếp quanh Mặt Trời hoặc Mặt Trăng).
  • Thứ hai, các dải màu trong một vòng cung tròn chân trời luôn chạy theo phương ngang với màu đỏ ở trên, trong khi ở đám mây ánh kim, chúng ngẫu nhiên hơn nhiều về trình tự màu sắc và hình dạng, gần như theo các đường viền của đám mây tạo ra nó.
  • Cuối cùng, màu sắc của một vòng cung tròn chân trời là đơn nhất và là các màu quang phổ (nhiều hơn so với trong một cầu vồng), trong khi màu sắc của ánh kim trong một đám mây có vẻ ngoài "xà cừ" hơn (có một số màu không quang phổ).

Nó cũng có thể bị nhầm với các loại hào quang khác, chẳng hạn như mặt trời giả hoặc vòng cung tròn thiên đỉnh, nhưng vẫn có thể dễ dàng phân biệt bời các vị trí xuất hiện hoàn toàn khác nhau của chúng so với Mặt Trời hoặc Mặt Trăng. Khó khăn hơn là sự phân biệt giữa cầu vồng lửa và vòng cung tiếp tuyến bên dưới, cả hai đều gần như hoàn toàn giống nhau khi Mặt Trời hoặc Mặt Trăng ở một độ cao lớn. Sự khác biệt là vòng cung tròn chân trời luôn luôn chạy song song với đường chân trời (mặc dù hình ảnh thường cho thấy nó là một đường hơi cong do biến dạng phối cảnh), trong khi vòng cung bên dưới hướng nhọn lên trên ở hai đầu.[5]